báo cáo tài chính hợp nhất là gì

Báo Cáo Tài Chính Hợp Nhất Là Gì? Khi Nào Lập Và Cách Lập

Báo cáo tài chính hợp nhất là một tài liệu quan trọng trong lĩnh vực kế toán và tài chính, cung cấp thông tin tổng hợp về tình hình tài chính của một công ty hoặc một nhóm công ty. Báo cáo này bao gồm các thông tin chi tiết về thu nhập, lợi nhuận, dòng tiền và tình hình tài sản và nợ phải của công ty.

Mục đích chính của báo cáo tài chính hợp nhất là cung cấp cho các bên liên quan, bao gồm cổ đông, ngân hàng, nhà đầu tư và các đối tác kinh doanh khác, cái nhìn tổng quan về hiệu suất kinh doanh và sức khỏe tài chính của công ty. Bằng việc tổng hợp thông tin từ các báo cáo riêng lẻ của từng công ty thành một báo cáo duy nhất, báo cáo này giúp xác định được sự ảnh hưởng toàn diện của hoạt động kinh doanh trên toàn thể.

Bài viết sau Văn bản kế toán chia sẻ chi tiết về báo cáo tài chính hợp nhất là gì? Khi nào lập và cách lập.

1. Báo cáo tài chính hợp nhất là gì?

Báo cáo tài chính hợp nhất tiếng anh là gì? Consolidated Financial Statement là Báo cáo tài chính hợp nhất.

Báo cáo tài chính hợp nhất là một báo cáo tài chính tổng hợp của một công ty hoặc một tập đoàn có nhiều công ty con hoạt động trong các ngành kinh doanh khác nhau. Báo cáo này cung cấp thông tin về tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động của toàn bộ tổ chức, thể hiện sự kết hợp và phân tích dữ liệu từ các báo cáo tài chính riêng lẻ của các công ty con.

Thông qua việc kết hợp dữ liệu từ các công ty con, báo cáo này cho phép xem xét hiệu suất toàn diện của tổ chức, phát hiện xu hướng và biến động trong hoạt động kinh doanh. Báo cáo là công cụ quan trọng để ra quyết định chiến lược, theo dõi hiệu suất và báo cáo cho các bên liên quan về tình hình tài chính của toàn công ty.

Báo cáo tài chính hợp nhất gồm Báo cáo tài chính hợp nhất năm và Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ (báo cáo quý, gồm cả quý IV và báo cáo bán niên).

Trong đó, Báo cáo tài chính hợp nhất năm được lập dưới dạng đầy đủ, Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ được lập dưới dạng đầy đủ hoặc dạng tóm lược.

– Báo cáo tài chính hợp nhất năm và Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ gồm:

+ Bảng cân đối kế toán hợp nhất;

+ Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất;

+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất;

+ Bản thuyết minh Báo cáo tài chính hợp nhất.

2. Khi nào phải lập báo cáo tài chính hợp nhất

Xác định công ty mẹ:

– Một công ty được coi là công ty mẹ của một công ty khác nếu có quyền kiểm soát thông qua việc chi phối các chính sách tài chính và hoạt động nhằm thu được lợi ích kinh tế từ các hoạt động của công ty này mà không chỉ xét tới hình thức pháp lý, hay tên gọi của công ty đó. Công ty mẹ có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động trong các trường hợp sau đây:

+ Nắm giữ trên 50% quyền biểu quyết trực tiếp hoặc gián tiếp ở Công ty con. Trường hợp có sự khác biệt giữa tỷ lệ quyền biểu quyết theo giấy đăng ký kinh doanh và tỷ lệ quyền biểu quyết tính trên cơ sở vốn thực góp thì quyền biểu quyết được xác định theo điều lệ doanh nghiệp hoặc theo sự thống nhất giữa các bên;
+ Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm hoặc bãi miễn đa số các thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty con;

+ Có quyền bỏ đa số phiếu tại các cuộc họp của Hội đồng quản trị hoặc cấp quản lý tương đương;

+ Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty con;

+ Các nhà đầu tư khác thỏa thuận dành cho công ty mẹ hơn 50% quyền biểu quyết;

+ Có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động theo quy chế thỏa thuận.

– Khi xác định quyền kiểm soát của công ty mẹ, ngoài các quy định trên doanh nghiệp phải xem xét quyền biểu quyết tiềm năng phát sinh từ các quyền chọn mua hoặc các công cụ nợ và công cụ vốn có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông tại thời điểm hiện tại. Nếu các công cụ nợ và công cụ vốn nêu trên không được phép chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông tại thời điểm hiện tại, ví dụ không thể chuyển đổi trước một thời điểm nào đó trong tương lai hoặc cho đến khi một sự kiện trong tương lai xảy ra thì không được sử dụng để xác định quyền kiểm soát.

Công ty mẹ có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động của công ty con trong các trường hợp nêu trên.

2.1.Trường hợp bắt buộc lập báo cáo tài chính hợp nhất

Công ty mẹ có trách nhiệm lập Báo cáo tài chính hợp nhất của cả tập đoàn khi kết thúc kỳ kế toán, cụ thể:

– Đối với trường hợp công ty mẹ là tổ chức niêm yết trên thị trường chứng khoán, công ty đại chúng quy mô lớn và công ty mẹ thuộc sở hữu Nhà nước phải lập Báo cáo tài chính hợp nhất hàng năm và Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên dạng đầy đủ, Báo cáo tài chính hợp nhất quý dạng tóm lược (được lập Báo cáo tài chính hợp nhất quý dạng đầy đủ nếu có nhu cầu).

– Đối với trường hợp công ty mẹ không thuộc các đối tượng nêu trên:

+ Phải lập Báo cáo tài chính hợp nhất năm dạng đầy đủ;

+ Khuyến khích lập Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ dạng đầy đủ hoặc dạng tóm lược (nếu có nhu cầu).

2.2. Trường hợp không cần lập

Công ty mẹ không phải lập Báo cáo tài chính hợp nhất khi thỏa mãn tất cả những điều kiện sau:

– Công ty mẹ không phải là đơn vị có lợi ích công chúng;

– Công ty mẹ không phải là thuộc sở hữu Nhà nước hoặc do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối;

– Công ty mẹ đồng thời là công ty con bị sở hữu bởi một công ty khác và việc không lập Báo cáo tài chính hợp nhất đạt được sự đồng thuận của các cổ đông, kể cả cổ đông không có quyền biểu quyết;

– Công cụ vốn hoặc công cụ nợ của công ty mẹ đó không được giao dịch trên thị trường (kể cả thị trường trong nước, ngoài nước, thị trường phi tập trung (OTC), thị trường địa phương và thị trường khu vực);

– Công ty mẹ không lập hồ sơ hoặc không trong quá trình nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền để xin phép phát hành các loại công cụ tài chính ra công chúng;

– Công ty sở hữu công ty mẹ đó lập Báo cáo tài chính hợp nhất cho mục đích công bố thông tin ra công chúng phù hợp với quy định của Chuẩn mực kế toán Việt Nam.

2.3.Thời điểm lập và kỳ hạn lập

Báo cáo tài chính hợp nhất năm phải nộp cho chủ sở hữu và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm và được công khai trong thời hạn 120 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Công ty mẹ là đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán phải nộp Báo cáo tài chính hợp nhất năm và công khai theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ phải nộp cho các chủ sở hữu và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán. Công ty mẹ là đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán phải nộp và công khai Báo cáo tài chính giữa niên độ theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

3. Cách làm báo cáo tài chính hợp nhất

3.1.Nguyên tắc và quy định lập báo cáo tài chính hợp nhất

Theo quy định khi lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất, doanh nghiệp cần tuân thủ 16 nguyên tắc sau đây:

3.1.1.Nguyên tắc 1

Khi công ty mẹ lập Báo cáo tài chính hợp nhất thì phải hợp nhất Báo cáo tài chính riêng của mình và của tất cả các công ty con ở trong nước và ngoài nước do công ty mẹ kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp, trừ các trường hợp sau đây:

– Công ty mẹ chỉ có quyền kiểm soát tạm thời vì công ty con này chỉ được mua và nắm giữ cho mục đích bán lại trong thời gian không quá 12 tháng.

– Hoạt động của công ty con bị hạn chế trong thời gian trên 12 tháng và điều này ảnh hưởng đáng kể tới khả năng chuyển vốn cho công ty mẹ.

3.1.2.Nguyên tắc 2

Công ty mẹ không có quyền được loại trừ khỏi Báo cáo tài chính hợp nhất đối với:

– Công ty con có hoạt động kinh doanh khác biệt với hoạt động kinh doanh của công ty mẹ và các công ty con khác trong tập đoàn;

– Công ty con là Quỹ tín thác, Quỹ tương hỗ, Quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc các doanh nghiệp tương tự.

3.1.3. Nguyên tắc 3

Việc lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất phải tuân theo các nguyên tắc kế toán như Báo cáo tài chính của doanh nghiệp độc lập theo quy định của Chuẩn mực kế toán Việt Nam “Trình bày báo cáo tài chính” và quy định của các Chuẩn mực kế toán khác có liên quan.

3.1.4. Nguyên tắc 4

Báo cáo tài chính hợp nhất được lập trên cơ sở áp dụng chính sách kế toán thống nhất cho các giao dịch và sự kiện cùng loại trong các hoàn cảnh tương tự trong toàn Tập đoàn.

3.1.5. Nguyên tắc 5

Báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ và Báo cáo tài chính của công ty con sử dụng để hợp nhất phải được lập cho cùng 01 kỳ kế toán.

cách làm báo cáo tài chính hợp nhất

>>> Bài viết được quan tâm: Học Kế Toán Thực Hành Tổng Hợp Ở Đâu Tốt Nhất

3.1.6. Nguyên tắc 6

Kết quả các hoạt động kinh doanh của công ty con phải được đưa vào Báo cáo tài chính hợp nhất kể từ ngày công ty mẹ nắm quyền kiểm soát công ty con và chấm dứt vào ngày công ty mẹ thực sự chấm dứt quyền kiểm soát công ty con.

3.1.7. Nguyên tắc 7

Phần sở hữu của công ty mẹ và cổ đông không kiểm soát trong tài sản thuần có thể xác định được của công ty con tại ngày mua phải được trình bày theo giá trị hợp lý.

3.1.8. Nguyên tắc 8

Nếu có sự chênh lệch giữa giá trị hợp lý và giá trị ghi sổ của tài sản thuần thuộc công ty con tại ngày mua, công ty mẹ có trách nhiệm ghi nhận thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh từ giao dịch hợp nhất kinh doanh.

3.1.9. Nguyên tắc 9

Lợi thế thương mại hoặc lợi nhuận (lãi) từ giao dịch mua rẻ được xác định là sự chênh lệch giữa giá phí khoản đầu tư và giá trị hợp lý của tài sản thuần có thể xác định được của công ty con tại ngày mua do công ty mẹ nắm giữ (thời điểm công ty mẹ nắm giữ quyền kiểm soát công ty con).

3.1.10. Nguyên tắc 10

Trong trường hợp sau khi công ty mẹ đã kiểm soát công ty con, nếu công ty mẹ tiếp tục đầu tư vào công ty con để tăng tỷ lệ lợi ích nắm giữ, phần chênh lệch giữa giá phí khoản đầu tư thêm và giá trị ghi sổ của tài sản thuần của công ty con mua thêm phải được ghi nhận trực tiếp vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và được coi là các giao dịch vốn chủ sở hữu (không được ghi nhận như lợi thế thương mại hoặc lợi nhuận (lãi) từ giao dịch mua giá rẻ).

Trong trường hợp này, công ty mẹ không thực hiện việc ghi nhận tài sản thuần của công ty con theo giá trị hợp lý như tại thời điểm kiểm soát công ty con.

3.1.11. Nguyên tắc 11

Các chỉ tiêu trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất và Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất được lập bằng cách cộng từng chỉ tiêu thuộc Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn.

3.1.12. Nguyên tắc 12

Số chênh lệch giữa số thu từ việc thoái vốn tại công ty con và giá trị phần tài sản thuần của công ty con bị thoái vốn cộng với giá trị phần lợi thế thương mại chưa phân bổ hết được ghi nhận ngay trong kỳ phát sinh.

3.1.13. Nguyên tắc 13

Sau khi thực hiện tất cả các bút toán điều chỉnh, phần chênh lệch phát sinh do việc điều chỉnh các chỉ tiêu thuộc Báo cáo kết quả kinh doanh phải được kết chuyển vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

3.1.14. Nguyên tắc 14

Bảng cân đối kế toán hợp nhất được dùng làm căn cứ cho việc lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất, báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con theo nguyên tắc:

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất chỉ được trình bày luồng tiền giữa tập đoàn với các đơn vị bên ngoài tập đoàn, bao gồm cả luồng tiền phát sinh từ các giao dịch với các công ty liên doanh, liên kết và cổ đông không kiểm soát của tập đoàn và được trình bày trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất theo 3 loại hoạt động: Hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính.

Tất cả các luồng tiền phát sinh từ những giao dịch giữa công ty mẹ và công ty con trong nội bộ tập đoàn phải được loại trừ hoàn toàn trên bản Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất.

3.1.15. Nguyên tắc 15

Nếu đồng tiền được sử dụng trong Báo cáo tài chính của các công ty con khác với đồng tiền được sử dụng trong Báo cáo tài chính của công ty mẹ thì trước khi hợp nhất Báo cáo tài chính, công ty mẹ phải chuyển đổi toàn bộ Báo cáo tài chính của các công ty con sang đồng tiền báo cáo của công ty mẹ.

3.1.16. Nguyên tắc 16

Bản thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất được lập để giải thích thêm cho các thông tin về tình hình tài chính và phi tài chính, được căn cứ vào:

– Bảng cân đối kế toán hợp nhất, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất;

– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất;

– Các tài liệu có liên quan trong quá trình hợp nhất Báo cáo tài chính.

3.2.Phương pháp và các bước lập bctc hợp nhất

Quy trình lập báo cáo tài chính hợp nhất được thực hiện theo 4 bước:

– Bước 1: Thu thập thông tin, báo cáo tài chính riêng sau đó tổng hợp điều chỉnh và cộng hợp các chỉ tiêu tương ứng

– Bước 2: Thực hiện các bút toán điều chỉnh hợp nhất:

  • Loại 1: Điều chỉnh chênh lệch giữa FV & GTGS ở trong tài sản thuần của công ty con.
  • Loại 2: Loại trừ các giá trị ghi sổ khoản đầu tư của công ty mẹ trong từng công ty con và ghi nhận lợi thế thương mại, NCI tại thời điểm hợp nhất.
  • Loại 3: Phân bổ các lợi thế thương mại (nếu có)
  • Loại 4: Loại trừ toàn bộ các giao dịch trong tập đoàn
  • Loại 5: Xác định lợi ích của cổ đông kiểm soát (NCI) tại thời điểm cuối kỳ

Lưu ý: Ngoài các điều chỉnh trên thì còn các bút toán cần ghi nhận sự điều chỉnh đã thực hiện để lập BCTC kỳ trước. Mục đích đảm bảo tính tích luỹ của các chi tiêu trên ĐCĐKT hợp nhất. Với những bút toán ở kỳ trước đã điều chỉnh vào phần doanh thu & chi phí thì sang kỳ này điều chỉnh qua LNSTCPP để phản ánh ảnh hưởng cuối cùng của kế toán.

– Bước 3: Lập bảng bảng tổng hợp bút toán điều chỉnh và bảng tổng hợp về các chi tiêu hợp nhất.

– Bước 4: Lập báo cáo tài chính hợp nhất

3.3. Mẫu báo cáo tài chính hợp nhất

>>> Tải về: Mẫu báo cáo tài chính hợp nhất excel và word

4. So sánh báo cáo tài chính hợp nhất và riêng lẻ

Báo cáo tài chính hợp nhất và riêng lẻ có những điểm giống và khác nhau sau:

4.1. Điểm giống nhau

– Mục đích: Hai loại báo cáo này đều được tổng hợp lại nhằm khái quát lại tình hình phát triển cũng như kết quả hoạt động của doanh nghiệp trong kỳ sản xuất vừa qua.

– Chủ thể: Báo cáo tài chính hợp nhất phải trình bày giống báo cáo tài chính riêng lẻ nghĩa là cả tập đoàn sẽ được coi như một doanh nghiệp.

4.2. Điểm khác nhau

Báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính riêng lẻ khác nhau nhất ở hai điểm sau:

a. Bảng cân đối kế toán: Báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính riêng lẻ đều có bảng cân đối kế toán (gồm tài sản và nguồn vốn) tuy nhiên, tại bảng cân đối của mỗi báo cáo có điểm khác nhau ở một số tài khoản như sau:

Báo cáo tài chính hợp nhất Báo cáo tài chính riêng lẻ
– Không có tài khoản đầu tư vào công ty con.
– Có tài khoản lợi thế thương mại
– Có tài khoản lợi ích của cổ đông thiểu số (nếu vốn mà công ty mẹ nắm giữ nhỏ hơn 100%)
– Có tài khoản đầu tư vào công ty con.
– Không có tài khoản lợi thế thương mại.
– Không có tài khoản lợi ích của cổ đông thiểu số.

 

b. Thời điểm ghi nhận vốn chủ sở hữu

– Báo cáo tài chính hợp nhất: Ghi nhận tại ngày hợp nhất mà cổ đông công ty mẹ sở hữu ở công ty con.
– Báo cáo tài chính riêng lẻ: Ghi nhận theo phương pháp vốn gốc nghĩa là khi chủ sở hữu không bỏ thêm vốn hoặc cũng không rút vốn.

5. Giải đáp một số câu hỏi về báo cáo tài chính hợp nhất

#Có phải nộp Báo cáo tài chính hợp nhất cho cơ quan thuế

Báo cáo tài chính hợp nhất năm và giữa niên độ (quý) phải nộp cho cơ quan tài chính, cơ quan thuế, cơ quan thống kê và cơ quan cấp Giấy phép đầu tư hoặc Giấy đăng ký kinh doanh, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán

#Báo cáo tài chính phải nộp cho ai?

Các doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính năm cho cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan Thống kê

#Công ty mẹ không phải lập báo cáo tài chính hợp nhất khi nào?

Công ty mẹ sẽ không phải lập báo cáo tài chính hợp nhất khi thỏa mãn các điều kiện sau:

  • Công ty mẹ không phải là đơn vị có lợi ích công chúng.
  • Công ty mẹ không phải là thuộc sở hữu Nhà nước, hoặc do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
  • Công ty mẹ đồng thời là công ty con bị sở hữu bởi 1 công ty khác, và việc không lập Báo cáo tài chính hợp nhất đạt được sự đồng thuận của các cổ đông, kể cả một số cổ đông không có quyền biểu quyết.
  • Công cụ vốn hoặc công cụ nợ của công ty mẹ đó không được giao dịch trên thị trường, bao gồm cả thị trường trong và ngoài nước, thị trường phi tập trung, thị trường địa phương và thị trường khu vực.
  • Công ty mẹ không lập hồ sơ, hoặc không trong quá trình nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền để xin phát hành các loại công cụ tài chính ra công chúng.
  • Công ty sở hữu công ty mẹ lập Báo cáo tài chính hợp nhất cho mục đích công bố thông tin ra công chúng phù hợp với quy định trong bộ Chuẩn mực kế toán Việt Nam.

#Đối tượng phải lập báo cáo tài chính hợp nhất

Đối tượng phải lập báo cáo tài chính hợp nhất, đó là tất cả các công ty mẹ nắm giữ trên 50% quyền biểu quyết ở công ty con có thể là sở hữu trực tiếp hoặc sở hữu gián tiếp thông qua một công ty con khác. Tất cả các tổng công ty nhà nước được thành lập và hoạt động theo mô hình có công ty con cũng phải lập, nộp báo cáo tài chính hợp nhất theo quy định của pháp luật về kế toán.

#Điều kiện để hợp nhất báo cáo tài chính

Để hợp nhất báo cáo tài chính, có một số điều kiện cần được tuân thủ. Dưới đây là các điều kiện quan trọng:

– Tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán: Báo cáo tài chính phải tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán quốc tế hoặc quy định của cơ quan quản lý tài chính trong nước.

– Sự minh bạch và công khai: Báo cáo tài chính phải cung cấp thông tin chi tiết, rõ ràng và đầy đủ về tình hình tài chính của tổ chức hoặc công ty.

– Độ tin cậy: Báo cáo tài chính phải được xác minh và kiểm tra bởi một người kiểm toán ngoại vi hoặc một công ty kiểm toán độc lập để đảm bảo tính xác thực và tin cậy của thông tin.

– Thống nhất: Các nguyên tắc kế toán và phương pháp tính giá trong báo cáo tài chính phải được áp dụng một cách nhất quán trong suốt các kỳ kế toán.

– Thời gian: Báo cáo tài chính phải được công bố đúng thời hạn quy định, thông thường là sau khi kỳ tài chính kết thúc và sau khi hoàn thành quá trình kiểm toán.

– Đầy đủ thông tin: Báo cáo tài chính phải bao gồm các thành phần cơ bản như bảng cân đối kế toán, lưu chuyển tiền tệ và lợi nhuận, báo cáo lợi nhuận và lỗ, ghi chú hóa đơn vị tài sản và nợ.

– Tuân thủ luật pháp: Báo cáo tài chính phải tuân thủ các quy định của luật pháp liên quan để đảm bảo tính hợp lệ của thông tin.

Các điều kiện này giúp đảm bảo rằng thông tin trong báo cáo tài chính là minh bạch, xác thực và có tính nhất quán để người sử dụng có thể hiểu rõ về hiệu suất tài chính của tổ chức hoặc công ty.

Trên đây là toàn bộ những thông tin đầy đủ nhất về Báo cáo tài chính hợp nhất. Hy vọng bài viết trên sẽ hữu ích với bạn trong quá trình làm nghề kế toán.

Xem thêm:

Đánh giá

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *